0909 004 963
adac@adac.com.vn

Giới thiệu về Hồ sơ Kiểm toán mẫu Kiểm toán Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành

Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam hình thành từ năm 1991, đến nay đã có hơn 150 doanh nghiệp kiểm toán (DNKiT). Các DNKiT cung cấp dịch vụ kiểm toán và nhiều dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành (BCQTDAHT). Dịch vụ kiểm toán BCQTDAHT (hay còn được gọi tắt là dịch vụ kiểm toán xây dựng) là dịch vụ quan trọng của các DNKiT, có doanh thu xếp vị trí thứ 3 sau doanh thu của dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính và dịch vụ tư vấn thuế, kế toán (theo báo cáo tổng kết 25 năm kiểm toán độc lập - tháng 6/2016). Tuy nhiên, dịch vụ này là dịch vụ đặc thù của Việt Nam, không có chuẩn mực và các tài liệu hướng dẫn thực hiện của quốc tế. Trong các năm qua, để thực hiện hoạt động kiểm toán BCQTDAHT theo Hệ thống chuẩn mực kiểm toán do Bộ Tài chính ban hành, mỗi DNKiT đều tự xây dựng cho mình một bộ hồ sơ kiểm toán. Tuy nhiên, chất lượng và quy mô hồ sơ kiểm toán BCQTDAHT của các DNKiT hiện nay còn khác nhau. Xuất phát từ thực trạng đó, theo kế hoạch hoạt động chuyên môn năm 2016, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã triển khai xây dựng Hồ sơ kiểm toán mẫu áp dụng cho kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành để hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kiểm toán số 1000 – “Kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành” (ban hành theo Thông tư số 67/2015/TT-BTC ngày 8/5/2015 của Bộ Tài chính). 

Để xây dựng Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT, VACPA đã thực hiện nhiều công việc như thu thập Hồ sơ kiểm toán BCQTDAHT từ các DNKiT có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ này; Thành lập Tổ xây dựng Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT; Tổ chức nhiều buổi thảo luận; Thực hiện xin ý kiến Bộ Tài chính, công ty kiểm toán và đăng trên trang thông tin điện tử của VACPA; Tổ chức hội thảo lấy ý kiến trực tiếp từ các DNKiT; ... nhằm đảm bảo Chương trình kiểm toán mẫu đáp ứng được các yêu cầu của chuẩn mực kiểm toán, các quy định pháp lý có liên quan, đồng thời phù hợp thực tế hoạt động kiểm toán BCQTDAHT tại Việt Nam. Qua quá trình làm việc nghiêm túc, ngày 15/11/2016, VACPA đã ban hành “Hồ sơ kiểm toán mẫu áp dụng cho kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành” theo Quyết định số 314-2016/QĐ-VACPA, có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/01/2017.

Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT được xây dựng nhằm hướng dẫn thực hiện chuẩn mực kiểm toán (CMKiT) số 1000 và các CMKiT có liên quan nhưng không nhằm thay thế các CMKiT này, do đó DNKiT và kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán chuyên môn trong từng hoàn cảnh cụ thể của hợp đồng dịch vụ để xem xét có cần thực hiện các sửa đổi, bổ sung cần thiết không. Việc xây dựng và ban hành Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT nhằm góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán BCQTDAHT và tăng cường sự tuân thủ các yêu cầu của CMKiT, đồng thời làm cơ sở cho việc đào tạo, cập nhật kiến thức và kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của cơ quan quản lý Nhà nước và VACPA. Để hỗ trợ đạt được mục tiêu tiêu này, trong tháng 9/2017, VACPA đã phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo tại Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh để trao tặng và giới thiệu về tài liệu này cho các Bộ ngành, các tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước là chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước; sở tài chính các tỉnh/thành phố là cơ quan thẩm tra, phê duyệt báo cáo quyết toán của các dự án; giảng viên các trường đại học có chuyên ngành đào tạo về kiểm toán, xây dựng; DNKiT là bên cung cấp dịch vụ kiểm toán BCQTDAHT. Các đối tượng trao tặng sách là các bên liên quan, có vai trò quan trọng trong việc yêu cầu kiểm toán, thực hiện kiểm toán và sử dụng kết quả kiểm toán BCQTDAHT, do đó VACPA kỳ vọng, thông qua việc nâng cao sự hiểu biết của các bên này sẽ giúp cho quá trình phối hợp thực hiện và sử dụng kết quả kiểm toán hiệu quả hơn.

Về nội dung của Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT gồm có 2 bộ phận: (1) Tài liệu hướng dẫn thực hiện; (2) Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT.

Tài liệu hướng dẫn thực hiện gồm 4 phần để hướng dẫn các nội dung chung quan trọng (như mục đích của kiểm toán BCQTDAHT, mục tiêu của KTV và DNKiT, các yêu cầu đối với một cuộc kiểm toán BCQTDAHT, trách nhiệm kiểm soát chất lượng cuộc kiểm toán BCQTDAHT, phạm vi áp dụng hồ sơ kiểm toán mẫu, phương pháp tiếp cận kiểm toán, chu trình kiểm toán,...), hướng dẫn chi tiết về hồ sơ kiểm toán và giấy tờ làm việc (cách lưu hồ sơ kiểm toán, cách hiểu các mẫu giấy tờ làm việc chính trong hồ sơ, cách đánh tham chiếu, cách sử dụng tài liệu do khách hàng lập làm bằng chứng kiểm toán…), hướng dẫn chi tiết các biểu mẫu quan trọng theo các nội dung: yêu cầu nội dung từng mẫu biểu, yêu cầu của Chuẩn mực và các quy định về đạo đức nghề nghiệp, thời điểm thực hiện, cách thực hiện, yêu cầu cách đánh tham chiếu để liên kết giữa các giấy tờ làm việc khác,...Đặc biệt, trong Tài liệu hướng dẫn thực hiện cung cấp hướng dẫn về một số nội dung khó đối với lĩnh vực kiểm toán BCQTDAHT như xác định mức trọng yếu (đối với tính tuân thủ và đối với số liệu, thông tin trên BCQTDAHT), lấy mẫu kiểm toán dựa trên mức trọng yếu thực hiện, tìm hiểu và đánh giá kiểm soát nội bộ cấp độ Ban quản lý dự án.

Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT phản ánh chu trình kiểm toán gồm 3 giai đoạn là lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và tổng hợp, kết luận, lập báo cáo. Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT được xây dựng theo phương pháp kiểm toán dựa trên rủi ro, theo đó việc xác định, đánh giá và thiết kế các thủ tục để xử lý rủi ro được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán. Đây là phương pháp kiểm toán được thiết kế phù hợp với quy định của Hệ thống 37 CMKiT Việt Nam và CMKiT số 1000 “Chuẩn mực kiểm toán Việt Nam về kiểm toán báo cáo quyết toán dự án hoàn thành”. Theo phương pháp này, khi thực hiện HSKiT mẫu, KTV có 02 lựa chọn: (1) Thực hiện thử nghiệm cơ bản (kiểm tra cơ bản) 100%; hoặc (2) Kết hợp kiểm tra cơ bản với kiểm tra hệ thống (thử nghiệm kiểm soát) theo mức độ khác nhau: kiểm tra cơ bản là chủ yếu, kiểm tra hệ thống là thứ yếu hoặc ngược lại, tuy nhiên, dù lựa chọn phương pháp nào, KTV vẫn phải thực hiện các thủ tục đánh giá rủi ro, trong đó gồm tìm hiểu về mặt thiết kế của KSNB và đánh giá xem các thủ tục kiểm soát chính của KH có được triển khai không.

Kết cấu Hồ sơ kiểm toán mẫu BCQTDAHT gồm 10 phần, trong đó phần 1 (mã số  1000) là phần lập kế hoạch, gồm nhiều biểu mẫu quan trọng và mới so với quy trình kiểm toán hiện nay của nhiều doanh nghiệp kiểm toán. Việc thực hiện các biểu mẫu trong phần lập kế hoạch có thể từ lúc chưa bắt đầu cuộc kiểm toán và có thể hoàn thành tại thời điểm kết thúc cuộc kiểm toán. Phần 2 (mã số 2000) là phần tổng hợp, kết luận và lập báo cáo kiểm toán. Phần này được đưa lên trước các phần công việc trong giai đoạn thực hiện kiểm toán nhằm hỗ trợ quá trình soát xét của các cấp quản lý cao hơn trong nhóm kiểm toán hoặc của các bên khác có liên quan. Trong phần 2, Hồ sơ kiểm toán mẫu cung cấp các mẫu Báo cáo kiểm toán tương ứng với các dạng ý kiến kiểm toán và mẫu Thư quản lý. Từ phần 3 (mã số 3000) đến phần 9 (mã số 9000) là các nội dung thực hiện kiểm toán để phục vụ việc thẩm tra phê duyệt quyết toán BCQTDAHT theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư (Thông tư 09/2016-BTC quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước), gồm kiểm tra hồ sơ pháp lý, nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư, chi phí đầu tư không tính vào giá trị tài sản, giá trị tài sản hình thành qua đầu tư, công nợ, vật tư, thiết bị tồn đọng, việc chấp hành của chủ đầu tư đối với ý kiến kết luận của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước. Trên thực tế, tùy vào hợp đồng dịch vụ kiểm toán cụ thể, kiểm toán viên có thể chỉ phải thực hiện một số nội dung trong các phần từ mã số 3000 đến 9000. Phần cuối cùng là các vấn đề khác như các nội dung về các sự kiện phát sinh sau ngày phát hành báo cáo kiểm toán. Để thực hiện phù hợp các biểu mẫu, người thực hiện phải hiểu rõ mục đích của giấy tờ làm việc đó, kết quả cần đạt được sau khi hoàn thành biểu mẫu, cơ sở để thực hiện theo quy định của chuẩn mực kiểm toán, pháp luật và các quy định có liên quan, thời điểm thực hiện và cách thực hiện, người có vai trò soát xét thích hợp.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan