0909 004 963
adac@adac.com.vn

Định giá thương hiệu, nhiều doanh nghiệp bỏ quên tài sản vô hình

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được những sản phẩm có chất lượng cao, song khi xuất khẩu vẫn phải núp dưới tên của các thương hiệu có giá trị của nước ngoài. Mặt khác, cũng có tình trạng doanh nghiệp mạnh tay chi tiền để xây dựng thương hiệu, nhưng lại không xác định được giá trị thương hiệu.

Nhận định được đưa ra tại “Diễn đàn thương hiệu Việt Nam 2017 - Định giá tài sản thương hiệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế” ngày 4/12.

Thương hiệu là tài sản vô hình của doanh nghiệp

Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc AVM Vietnam nhận định, thương hiệu được coi là tài sản vô hình nhưng lại là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, tài sản thương hiệu lớn hơn tài sản vật chất, nhưng tại Việt Nam hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa thực sự coi trọng việc định giá thương hiệu.

Chỉ rõ vai trò quan trọng của việc định giá thương hiệu, ông Minh cho biết, năm 1980 giá trị tài sản vô hình thường chiếm 20%, tài sản hữu hình là 80%. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay con số này ngược lại, tài sản vô hình của doanh nghiệp thường chiếm tới 73%.

Việc định giá thương hiệu nhằm mục đích mua bán kinh doanh, chuyển nhượng thương hiệu, theo dõi giá trị công ty, giá trị cổ đông, huy động vốn, lập các kế hoạch về chiến lược thương hiệu...

Ở Việt Nam đã có định giá thương hiệu nhưng mới chỉ mang tính tự phát và các bên thỏa thuận thực hiện giao dịch mà không theo tiêu chuẩn tài chính quốc tế.

Lấy ví dụ điển hình về việc định giá thương hiệu của một số doanh nghiệp như Kem Tràng Tiền, Metro, Kinh Đô hay Vinashin, ông Minh cho rằng, tất cả các doanh nghiệp này thường bị để quên tài sản vô hình - đó là thương hiệu doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn trong quá trình cổ phần hóa và doanh nghiệp đã không tránh khỏi thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán, sáp nhập.

Nguyên nhân của việc định giá thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, đó là việc giao dịch về nhãn hiệu chưa nhiều, chưa phổ biến như trên thế giới.

Hơn nữa, tại Việt Nam, các quy định pháp lý ở giai đoạn đầu còn mới, Bộ Tài chính cũng chưa đưa ra được những hướng dẫn cụ thể, nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi góp vốn thương hiệu và không tính đến giá trị tương lai.

Ông Samir Dixit, Giám đốc vùng châu Á-Thái Bình Dương, Công ty Brand Finance, đưa ra ví dụ sinh động, trong Top 500 thương hiệu thế giới không có một thương hiệu nào của Việt Nam. “Vậy thương hiệu Việt Nam đang ở đâu?”, ông Samir Dixit đặt câu hỏi.

Chung quan điểm này, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand cho biết, khái niệm định giá thương hiệu đối với các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối mới, các công ty chưa biết nhiều về vấn đề này, mặc dù trên thế giới, định giá thương hiệu đã là một hoạt động phổ biến, nhất là trong hoạt động mua bán, sáp nhập.

Các nhà đầu tư khi bỏ tiền cho một doanh nghiệp rất quan tâm và đánh giá cao sức mạnh giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đó. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí lớn cho tài sản vô hình là thương hiệu.

Cần ban hành cơ sở pháp lý rõ ràng hơn

Cũng theo ông Minh, định giá thương hiệu ở Việt Nam không hề đơn giản do khó khăn trong tiếp cận thông tin của doanh nghiệp.

Ngoài những báo cáo tài chính, những chi phí thương hiệu trong quá khứ thì những thông tin trong tương lai rất khó để tiếp cận, tính toán, các chỉ số, các quy định pháp lý về định giá thương hiệu còn chưa chặt chẽ, rõ ràng khiến các doanh nghiệp lúng túng...

Và đặc biệt, một trong những nguyên nhân khiến định giá thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam còn kém xa thế giới là tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp về vấn đề thương hiệu còn nhiều hạn chế.

Còn theo ông Samir Dixit, thương hiệu là tài sản có giá trị nhất trong hoạt động kinh doanh, nhưng ít được quan tâm bởi các nhà quản lý, những người bận rộn với việc thúc đẩy sản xuất bán hàng và lợi nhuận. Đó không phải thứ căn bản khiến các cổ đông quay trở lại.

Quản lý thương hiệu là điều quan trọng để thúc đẩy việc định giá cổ phiếu, sáp nhập và mua bán cũng như tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như toàn cầu.

“Vì vậy, phương pháp tiếp cận quản lý thương hiệu cơ bản phải thay đổi với việc tập trung mạnh hơn vào đo lường giá trị kinh tế và sự trở lại của cổ đông mà thương hiệu có thể mang đến”, ông Samir Dixit đưa lời khuyên.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài diễn ra khốc liệt hơn.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Có thể xem định giá thương hiệu hiện nay là hoạt động cần thiết đồng thời là định hướng ưu tiên của mỗi doanh nghiệp.

Không những thế, khi đã có định giá thương hiệu rồi, doanh nghiệp cần phải tiếp tục giữ gìn thương hiệu đó và phát triển giá trị của nó lên cao hơn nữa. Bởi lẽ, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, rất có thể những thương hiệu mới sẽ thay thế thương hiệu cũ.

“Trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất, Việt Nam có 11 thương hiệu mới đồng nghĩa với việc đã có những thương hiệu bị loại ra khỏi top, cho thấy, một khi định giá cao nhưng chúng ta không nuôi dưỡng, phát huy giá trị thương hiệu thì nó sẽ tụt giảm”, ông Mạnh chia sẻ.

Ở góc độ pháp lý, ông Minh đề xuất, Nhà nước cần xây dựng cơ sở pháp lý rõ ràng hơn về việc định giá thương hiệu; hướng dẫn rõ ràng, việc đấu giá minh bạch và theo lộ trình. Về phía doanh nghiệp, đừng quên tài sản vô hình và nên đầu tư, chú trọng giá trị thương hiệu.

Chia sẻ:

Bài viết liên quan