0909 004 963
adac@adac.com.vn

Tổng quan về Thông tư 45/2021/TT-BTC có hiệu lực 03/08/2021

Hướng dẫn áp dụng cơ chế APA với DN có giao dịch liên kết
Bộ Tài chính ban hành Thông tư 45/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 hướng dẫn áp dụng cơ chế Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết.
Theo đó, quy định giao dịch được đề nghị áp dụng APA như sau:

  • Giao dịch được đề nghị áp dụng APA là các giao dịch liên kết được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

(Hiện hành, giao dịch được áp dụng APA là giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, trừ các giao dịch kinh doanh liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thực hiện bình ổn giá thuộc phạm vi điều chỉnh của Nhà nước theo quy định của pháp luật về giá).

  1. Giao dịch được đề nghị áp dụng APA phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
  • Giao dịch thực tế đã phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế và sẽ tiếp tục diễn ra trong giai đoạn đề nghị áp dụng APA.
  • Giao dịch có cơ sở để xác định được bản chất giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế và có cơ sở để phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 Nghị định 132/2020, dựa trên các thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định tại điểm b khoản 6 Điều 42 Luật Quản lý thuế.
  • Giao dịch không thuộc trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về thuế.
  • Giao dịch được thực hiện minh bạch, không nhằm mục đích trốn, tránh thuế hoặc lợi dụng Hiệp định thuế.
  1. Nguyên tắc áp dụng APA

APA được áp dụng trên nguyên tắc cơ quan thuế và người nộp thuế hoặc cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác và người nộp thuế cùng hợp tác, trao đổi, đàm phán thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các giao dịch liên kết.
Đề nghị áp dụng APA của người nộp thuế được giải quyết trên cơ sở hồ sơ với các tài liệu, thông tin cần thiết theo quy định tại Khoản 3, Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP do người nộp thuế cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời.
Việc phân tích, so sánh, lựa chọn đối tượng so sánh độc lập và phương pháp được sử dụng để so sánh, xác định giá của giao dịch liên kết thuộc phạm vi áp dụng của APA được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ- CP.

  1. Hồ sơ, thông tin và dữ liệu sử dụng

Hồ sơ đề nghị áp dụng APA thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Hồ sơ đề nghị áp dụng APA được thể hiện bằng tiếng Việt; Trường hợp hồ sơ đề nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương thì có thêm bản tiếng Anh. Người nộp thuế đóng dấu xác nhận và chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch. Người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính đồng nhất của nội dung giữa hồ sơ nộp cho cơ quan thuế Việt Nam và hồ sơ do bên liên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA nộp cho cơ quan thuế đối tác (nếu có).
Các thông tin, dữ liệu, cơ sở dữ liệu được sử dụng phải đảmbảo tuân thủ quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 42, Luật Quản lý thuế và Điều 17, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.

  1. Đối với việc trao đổi, đàm phán nội dung APA

Việc trao đổi, đàm phán nhằm thống nhất với người nộp thuế, cơ quan Thuế đối tác về các nội dung dự kiến tại bản dự thảo APA cuối cùng theo quy định tại Khoản 6, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trường hợp người nộp thuế đề nghị áp dụng APA song phương hoặc đa phương, người nộp thuế có trách nhiệm thông báo với bên liên kết thuộc phạm vi đề nghị áp dụng APA để đề nghị cơ quan thuế đối tác liên lạc và xúc tiến việc trao đổi, đàm phán với Tổng cục Thuế Việt Nam.

  1. Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người nộp thuế và Cơ quan thuế theo Thông tư 45/2021/TT-BTC
  1. Quyền của người nộp thuế

Người nộp thuế có quyền đề nghị với Tổng cục Thuế về việc rút đơn hoặc dừng đàm phán tại bất cứ thời điểm nào trước khi APA được ký kết; Có quyền mời hoặc thuê chuyên gia độc lập là người có kỹ năng, kiến thức phù hợp với nội dung APA để tham gia trao đổi, đàm phán APA. Trong các văn bản ghi nhận kết quả trao đổi, đàm phán phải được ký xác nhận bởi người nộp thuế.
Trường hợp trong khi thực hiện APA đơn phương nếu có phát sinh việc đánh thuế trùng hoặc có sự điều chỉnh về thu nhập chịu thuế dẫn đến bất lợi cho người nộp thuế xuất phát từ quyết định của cơ quan Thuế đối tác, người nộp thuế có quyền đề nghị Tổng cục Thuế về việc sửa đổi hoặc hủy bỏ APA theo quy định tại Khoản 9 và Khoản 10, Điều 41, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

  1. Nghĩa vụ và trách nhiệm của người nộp thuế

Người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời, trung thực, chính xác các thông tin, dữ liệu cho cơ quan thuế trong quá trình tham vấn (nếu có), nộp hồ sơ chính thức, thẩm định, đàm phán, ký kết, thực hiện APA cũng như trong quá trình giải quyết đề nghị gia hạn, sửa đổi APA theo quy định tại Điều 97 Luật Quản lý thuế.
Người nộp thuế có trách nhiệm lập và nộp các báo cáo APA thường niên cho từng năm tính thuế và báo cáo đột xuất (nếu có) trong giai đoạn hiệu lực của APA đã ký két theo quy định tại Khoản 7, Điều 41 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

  1. Quyền hạn của cơ quan Thuế:

Cơ quan Thuế có quyền dừng đàm phán khi phát sinh ít nhất một trong các trường hợp sau:

  • Việc tiếp tục đàm phán APA không đáp ứng được các nguyên tắc áp dụng APA quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Điều 5, Thông tư này;
  • Các bên liên quan không thống nhất được nội dung APA khi giai đoạn được đề nghị áp dụng APA kết thúc;
  • Người nộp thuế hoặc cơ quan Thuế đối tác đề nghị dừng đàm phán APA.
  1. Trách nhiệm của cơ quan Thuế:

Cơ quan Thuế có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện APA đã ký kết của người nộp thuế theo quy định tại Khoản 9, Điều 20, Nghị định số 132/2020/NĐ-CP theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

  1. Hiệu lực APA:

Thời gian có hiệu lực của APA đã ký kết tối đa là 03 năm tính thuế nhưng không vượt quá số năm thực tế người nộp thuế đã hoạt động sản xuất kinh doanh và kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Thông tư 45/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 03/8/2021 và thay thế Thông tư 201/2013/TT-BTC ngày 20/12/2013 (Đối với đề nghị áp dụng APA nộp trước ngày Thông tư này có hiệu lực nhưng chưa được ký kết và giai đoạn đề nghị áp dụng APA chưa kết thúc tính đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì được tiếp tục giải quyết theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư này.)

Ngày 25 tháng 08 năm 2021, Tổng cục thuế ban hành công văn số 3194/TCT-DNL giới thiệu một số nội dung mới của Thông tư số 45/2021/TT-BTC. Quý khách hàng có thể tìm hiểu thêm tại link đính kèm
 
Tổng hợp và thực hiện: ADAC

Chia sẻ:

Bài viết liên quan